Bảo hiểm nhân thọ là một trong những lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Do vậy, luật pháp các nước nói chung, pháp luật Việt Nam nói riêng về lĩnh vực này cũng quy định rất chặt chẽ để hạn chế việc gây xáo trộn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội đất nước.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh BHNT ngày càng phát triển, trở thành một kênh đầu tư và quản lý rủi ro cho người tiêu dùng. Đặc biệt, khi các Công ty BHNT đưa ra dòng sản phẩm liên kết đầu tư, giúp khách hàng ngoài việc được bảo vệ về thu nhập và sức khoẻ như các sản phẩm BHNT thông thường, giờ đây còn được trải nghiệm cảm giác đi đầu tư từ chính hợp đồng bảo hiểm của mình. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn còn băn khoăn khi được tư vấn các sản phẩm BHNT. Khách hàng cho rằng thời hạn bảo hiểm của các sản phẩm BHNT hiện nay thường kéo dài từ 10 năm đến 15, 20 năm thậm chí kéo dài cho đến khi người được bảo hiểm qua đời, liệu công ty BHNT phá sản thì sao? Bài viết này tôi xin được viện dẫn những căn cứ pháp luật giúp củng cố niềm tin cho khách hàng về vấn đề này.
Trước tiên, tôi phải khẳng định Công ty BHNT cũng là một loại hình doanh nghiệp kinh doanh với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, sẽ vẫn có thể có rủi ro phá sản như các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, chúng ta cùng xem xét nếu định chế hoạt động của chúng được kiểm soát chặt chẽ bởi pháp luật hiện hành của Việt Nam thì khả năng xảy ra phá sản là cao hay gần như rất hiếm có? Hoặc nếu có xảy ra khả năng xấu là mất khả năng thanh toán, hay phá sản thì quyền lợi khách hàng được đảm bảo như thế nào?
Mục lục
Về tiềm lực tài chính
Cần phải nhấn mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hoạt động kinh doanh có điều kiện và pháp luật quy định chặt chẽ về quản lý và điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Có thể nói rằng không phải công ty nào cũng có thể kinh doanh BHNT. Những công ty muốn kinh doanh BHNT phải là những công ty có tiềm lực lớn về tài chính. Cụ thể:
* Về điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm đối với tổ chức nước ngoài:
(Theo Điều 7, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm – sau gọi tắt là Nghị định 73/2026/NĐ-CP khi đề cập tiếp theo trong bài viết):
Đối với Công ty TNHH bảo hiểm:
+ Phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
+ Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép; (tương đương khoảng 46.000 tỷ VNĐ)
* Về mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam:
(Theo khoản 2, Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP)
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp kinh doanh bảo BHNT, bảo hiểm liên kết đơn vị: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
Về trích quỹ dự phòng và quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
+ Trích nộp quỹ dự phòng:
Theo Điều 54 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài Chính,
Quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm là khoản dự trữ liên quan đến từng nghiệp vụ bảo hiểm, được trích lập và hạch toán vào chi phí kinh doanh nhằm mục đích thanh toán các trách nhiệm đã được xác định trước và phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã giao kết.
Sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã có một khoản tiền nhận được từ phí bảo hiểm. Tuy nhiên, xét về bản chất của hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì khoản tiền này không được coi là nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, mà được xác định là khoản nợ với khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ “giữ hộ” các khách hàng và sẽ phải sử dụng nó để chi trả cho những khách hàng không may gặp rủi ro, phải gánh chịu thiệt hại trên thực tế. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, pháp luật yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ. Việc lập quỹ dự phòng nghiệp vụ nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết với khách hàng mà doanh nghiệp còn nợ.
Thiết lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ không chỉ là yêu cầu có tính chất kỹ thuật bảo hiểm mà còn là sự bắt buộc mang tính pháp lý đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Sự bắt buộc này góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời tạo điều kiện để tập trung nguồn vốn đầu tư. Đây là sự bắt buộc chung đối với tất cả các loại hình bảo hiểm.
Đối với Doanh nghiệp BHNT, dự phòng nghiệp vụ phải trích lập cho từng hợp đồng BHNT tương ứng với trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Bao gồm:
a) Dự phòng toán học:
Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
b) Dự phòng phí chưa được hưởng:
Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;
c) Dự phòng bồi thường:
Được sử dụng để trả tiền cho các sự kiện bảo hiểm đã xảy ra chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
d) Dự phòng chia lãi:
Được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm;
đ) Dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết:
Được sử dụng để bảo đảm mức lãi suất cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
e) Dự phòng bảo đảm cân đối:
Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ rủi ro, lãi suất kỹ thuật.
+ Trích nộp quỹ người được bảo hiểm:
Theo Điều 103, 105 Nghị định 73/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Việc trích nộp được thực hiện đến khi quy mô của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm đạt 3% tổng tài sản đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được sử dụng trong các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hay phá sản.
Về việc đảm bảo khả năng thanh toán
Theo Điều 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Điều 63, 64, 65 Nghị định 73/2016/NĐ-CP:
Về nguyên tắc, các công ty BHNT phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tức là biên khả năng thanh toán của doanh nghiêp BHNT không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu (Trong đó: Biên khả năng thanh toán là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp bảo hiểm).
Cụ thể: Biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp BHNT, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe:
a) Đối với hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị, bằng 1,5% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;
b) Đối với hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và hợp đồng bảo hiểm hưu trí, bằng 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;
c) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe:
Có thời hạn 05 năm trở xuống: Bằng 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,1% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro;
Có thời hạn trên 05 năm: Bằng 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cộng với 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro.
Về việc đầu tư của các Cty BHNT
Việc đầu tư của các công ty bảo hiểm cũng được quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây (Theo Khoản 2, Điều 62 Nghị định 73/2016/NĐ-CP):
+ Mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không hạn chế;
+ Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, không hạn chế;
+ Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm;
+ Kinh doanh bất động sản theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm;
+ Góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
Về việc quản lý, giám sát của Bộ Tài Chính
Theo Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, một Công ty BHNT muốn được hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam phải được Bộ Tài chính cấp phép thành lập và hoạt động. Trong quá trình hoạt động, một Công ty BHNT luôn chịu sự quản lý, giám sát của Bộ Tài chính. Cụ thể là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Trong đó, có Phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm nhân thọ chuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực BHNT. Tất cả các sản phẩm bảo hiểm của một Công ty BHNT trước khi tung ra thị trường đều phải thông qua thủ tục đăng ký và phải được Bộ Tài chính phê chuẩn thì mới được phép bán (Theo Điều 40 Nghị định 73/2016/NĐ-CP). Do đó, một sản phẩm BHNT luôn phải được cân đối hài hoà giữa lợi ích của Công ty BHNT và khách hàng mua bảo hiểm. Ngoài ra, các công ty BHNT luôn phải minh bạch, công khai việc thu, chi tài chính/Chế độ kế toán/Kiểm toán/Báo cáo tài chính/Công khai báo cáo Tài chính (Theo Điều 80 Nghị định 73/2016/NĐ-CP).
Các Công ty BHNT phải tái bảo hiểm để chuyển giao rủi ro
Tái bảo hiểm là việc chuyển rủi ro từ một doanh nghiệp bảo hiểm sang một doanh nghiệp bảo hiểm khác. Đơn giản có thể nói đó là việc bảo hiểm cho một doanh nghiệp bảo hiểm.
Như vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp kinh doanh BHNT cũng luôn phải chuyển giao rủi ro để đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Về việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra tình trạng một công ty BHNT có nguy cơ mất khả năng thanh toán hay phá sản
Theo điều 74 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000:
“Việc chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện trong những trường hợp sau đây:
+ Doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán;
+ Doanh nghiệp bảo hiểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể;
+ Theo thoả thuận giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thoả thuận được việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác thì Bộ Tài chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao.”
Theo điều 75 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000: “Các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao không thay đổi cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm”. Như vậy, điều khách hàng sợ nhất là Công ty BHNT phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì giờ hãy yên tâm: Khi một Công ty BHNT xảy ra trường hợp xấu nhất là mất khả năng thanh toán, giải thể mà không thỏa thuận được việc chuyển giao hoạt động bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác, thì Bộ Tài Chính chỉ định doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao, với quyền lợi hợp đồng giữ nguyen cho đến khi hết thời hạn hợp đồng bảo hiểm.
Thực tế thì sao?
Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường BHNT từ tháng 6/1999. Tính tới thời điểm hiện tại, ở Việt Nam hiện đang có 17 công ty cung cấp dịch vụ BHNT. Như vậy, đã hơn 20 năm các Công ty BHNT nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam nhưng chưa có công ty nào bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hay phá sản. Thực tế cho thấy các công ty BHNT nước ngoài gia nhập thị trường BHNT Việt Nam ngày càng tăng, và hoạt động rất an toàn. Điều này cho thấy thị trường BHNT Việt Nam đang ngày càng phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng định chế hoạt động của các Công ty BHNT có khi còn ÍT RỦI RO hơn so với các Ngân hàng. Vì các Ngân hàng còn có nợ xấu, trong khi các Công ty BHNT gần như không có nợ xấu. Nếu khách hàng đóng phí quá hạn theo quy định thì hợp đồng sẽ bị mất hiệu lực, khi đó Công ty BHNT cũng không phải chịu trách nhiệm về việc chi trả quyền lợi cho khách hàng đó.
Vậy, tại sao nhiều khách hàng đem cả chục tỷ gửi Ngân hàng với mức bảo hiểm tiền gửi vỏn vẹn chỉ 75tr lại không lo sợ, trong khi “bỏ lợn” hàng năm vào BHNT một khoản tiền chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thu nhập với quyền lợi được đảm bảo lớn gấp nhiều lần thu nhập lại cứ đắn đo?
-Tác giả: LS Trương Thị Thuý Bình – Giảng viên Đại Học Luật HN
-Có chỉnh sửa bởi Phong Hoàng Gia