Đóng phí bảo hiểm 120 triệu, tất toán hợp đồng nhận được hơn 36 triệu: Hiểu sao cho đúng?

Đăng ngày:

Phí bảo hiểm 120 triệu đóng về công ty bảo hiểm, khi tất toán hợp đồng nhận về được hơn 36 triệu là tiêu đề bài báo khiến nhiều người đọc cảm thấy hoang mang lo lắng. Dưới góc độ của tư vấn viên bảo hiểm, chúng tôi xin được chia sẻ một vài thông tin để bạn có thể hiểu rõ hơn bản chất của sự việc này.
Phí bảo hiểm

Tóm tắt thông tin bài báo

Theo thông tin bài báo đưa ra thì khách hàng nữ mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với sản phẩm mang tên: “Pru – Khởi đầu linh hoạt”

Công ty bảo hiểm cung cấp: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam

Đơn vị tư vấn: Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Thời gian tham gia: đầu tháng 7/2019

Mức phí bảo hiểm: 60,6 triệu/năm

Hợp đồng này có giá trị:  trong 10 năm

Tổng số phí bảo hiểm đã được đóng: 121,2 triệu đồng

Tất toán hợp đồng: sau 2 năm

 Số tiền hoàn lại: 36 triệu

Đóng hết 10 năm, vẫn chờ 15 năm mới nhận lại đủ tiền

Giải thích khái quát về sản phẩm “Pru – Khởi đầu linh hoạt”

“Pru – Khởi đầu linh hoạt” là loại  bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi VỚI QUYỀN LỢI TIỀN MẶT ĐỊNH KỲ 2018 (Được Bộ Tài chính phê chuẩn theo Công văn số 12098/BTC-QLBH ngày 03 tháng 10 năm 2018).

Các quyền lợi có trong sản phẩm

Quyền lợi đảm bảo

Là quyền lợi chắc chắn khách hàng nhận được, bảo vệ mặt tài chính trước những rủi ro của cuộc sống với 100% số tiền bảo hiểm khi khách hàng tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn và/hoặc Bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.

Quyền lợi tử vong do tai nạn lên đến 200% Số tiền bảo hiểm.

Quyền lợi tiền mặt  trả định kỳ: 5% Số tiền bảo hiểm mỗi năm.

 Quyền lợi đáo hạn lên đến 200% Số tiền bảo hiểm khi không có rủi ro xảy ra.

 Quyền lợi đảm bảo phát hành hợp đồng mới khi kết thúc hợp đồng PRU-KHỞI ĐẦU LINH HOẠT

Quyền lợi không đảm bảo

Là khoản bảo tức công bố hàng năm và lãi chia cuối hợp đồng.

Có phải “Đóng hết 10 năm, vẫn chờ 15 năm mới nhận lại đủ tiền”.

Theo thông tin bài báo đăng thì khách hàng nếu đóng đủ 10 năm vẫn phải chờ đến 15 năm mới nhận đủ tiền. Liệu hiểu như thế có đúng không? Chúng ta hãy tìm hiểu về thời hạn hợp đồng và thời hạn đóng phí nhé.

Thời hạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì?

Thời hạn hợp đồng là khoảng thời gian xác định từ khi hợp đồng có hiệu lực đến khi chấm dứt để các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng được thực hiện.

Theo mục a, khoản 2.2 điều 2 phần 1 của Điều khoản sản phẩm, thời hạn hợp đồng bảo hiểm là 15 năm hoặc 20 năm tùy khách hàng lựa chọn. Thời hạn hợp đồng cũng đồng thời là thời hạn bảo hiểm.

Thời hạn đóng phí bảo hiểm 

Thời hạn đóng phí là khoảng thời gian xác định để bên mua bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ đóng phí đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Theo mục b, khoản 2.2 điều 2 phần 1 của Điều khoản sản phẩm, thời hạn đóng phí bảo hiểm là:

+ “10 năm hoặc 15 năm đối với Hợp đồng bảo hiểm có Thời hạn hợp đồng là 15 năm

+  và 15 năm đối với Hợp đồng bảo hiểm có Thời hạn hợp đồng là 20 năm”

Kết luận:

Khách hàng lựa chọn thời hạn hợp đồng 15 năm và thời hạn đóng phí 10 năm. Do đó, để nhận được các quyền lợi và số tiền theo thỏa thuận, khách hàng cần thực hiện nghĩa vụ đóng phí 10 năm. Sau 10 năm, khách hàng không cần đóng phí tiếp nữa nhưng vẫn được bảo vệ các quyền lợi đến hết thời hạn hợp đồng 15 năm. Sau 15 năm, hợp đồng đáo hạn, khách hàng sẽ nhận được khoản tiền đáo hạn hợp đồng, chứ không phải như bài báo nói: “Đóng hết 10 năm, vẫn chờ 15 năm mới nhận lại đủ tiền”.

Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Theo khoản 1.13, điều 1, phần 1 trong điều khoản của hợp đồng này, “Giá trị hoàn lại là số tiền mà Bên mua bảo hiểm sẽ nhận lại, nếu có, khi có yêu cầu chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn.

Hợp đồng bảo hiểm có Giá trị hoàn lại sau khi Bên mua bảo hiểm đã đóng đủ Phí bảo hiểm cho 2 năm hợp đồng đầu tiên và Hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực sau 2 năm hợp đồng đầu tiên. Giá trị hoàn lại đã bao gồm giá trị hiện tại của Bảo tức, nếu có.”

“Giá trị hoàn lại sẽ được tính phù hợp với cơ sở kỹ thuật đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Giá trị hoàn lại ước tính vào Ngày kỷ niệm năm hợp đồng hàng năm được trình bày tại Bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm”

Như vậy, trong thời hạn hợp đồng 10 năm, nếu bên mua bảo hiểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tại bất kỳ thời điểm nào thì công ty bảo hiểm sẽ trả giá trị hoàn lại có tại thời điểm đó. Giá trị hoàn lại không phải là toàn bộ số phí bảo hiểm khách hàng đã đóng mà là khoản tiền được tính toán theo cơ sở kỹ thuật đã được Bộ tài chính phê duyệt. Đây là số tiền còn lại sau khi đã được khấu trừ các khoản phí theo quy định của hợp đồng như: phí ban đầu, phí rủi ro, phí quản lý hợp đồng…. Giá trị hoàn lại sẽ tăng theo thời gian và đến một thời điểm nào đó giá trị hoàn lại đạt điểm hòa vốn với phí đã nộp và sinh lãi.

Theo nguyên tắc chung của dòng sản phẩm này, hợp đồng bắt đầu có giá trị hoàn lại 36 triệu ở cuối năm thứ 2 của hợp đồng khi khách hàng đóng đủ phí bảo hiểm 2 năm đầu tiên và hợp đồng còn hiệu lực, chứ không phải số tiền của khách hàng bị bốc hơi 70%.

Khách hàng càng dừng hợp đồng sớm càng nhận về giá trị hoàn lại thấp. Khách hàng có thể xem bảng minh họa quyền lợi để nắm được giá trị hoàn lại dự kiến tại từng thời điểm muốn dừng hợp đồng trước hạn.

Càng dừng hợp đồng sớm, giá trị hoàn lại càng thấp, vì sao?

Như chúng ta đã biết, những năm đầu, khoản phí khách hàng nộp vào phần lớn được phục vụ cho các hoạt động khai thác, quản lý hợp đồng, đảm bảo chi trả quyền lợi khách hàng. Công ty bảo hiểm luôn phải chịu trách nhiệm tài chính rất lớn trước các rủi ro của khách hàng (ốm đau, bệnh tật, tử vong…). Các khoản bồi thường có thể lên đến hàng chục, hàng trăm lần số tiền phí bảo hiểm ngay cả khi người đó mới đóng được một kỳ phí bảo hiểm. 

Trong 2 năm đầu tiên, hợp đồng này không có giá trị hoàn lại. Chỉ từ cuối năm thứ 2, sang năm thứ 3, giá trị hoàn lại mới bắt đầu có nhưng chưa nhiều. Khách hàng nên tiếp tục duy trì hợp đồng đến hết thời hạn hợp đồng 15 năm để vừa đảm bảo các quyền lợi bảo vệ tài chính có trong hợp đồng vừa đảm bảo dòng tiền như mong muốn.

Khi nào khách hàng có thể nhận được toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng và có lãi?

Khi duy trì đóng phí đều đặn 10 năm, sau đó dừng đóng và chờ đến năm thứ 15 để đáo hạn theo thỏa thuận thì một mặt khách hàng vẫn được bảo vệ về tài chính trước rủi ro; mặt khác, vào ngày đáo hạn hợp đồng, khách hàng sẽ được nhận về khoản tiền đáo hạn theo tỷ lệ 165% Số tiền bảo hiểm được quy định trong Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc Thư xác nhận điều chỉnh hợp đồng gần nhất (nếu có), cộng với Bảo tức tích lũy tính đến thời điểm chi trả và Lãi chia cuối hợp đồng, (nếu có).

Khoản tiền đáo hạn này được đảm bảo không thấp hơn phí bảo hiểm đã đóng của sản phẩm (trừ đi các khoản tiền mặt đã chi trả hay rút trước đó, nếu có).

Như vậy rõ ràng, nếu khách hàng thực hiện đúng thỏa thuận của hợp đồng, không tất toán sớm, không dừng hợp đồng giữa chừng thì sau khi đáo hạn hợp đồng, số tiền phí đã đóng không bốc hơi 70% như phản ánh được.  Thậm trí, số phí đó còn được bảo toàn và có lãi.

Lời khuyên dành cho khách hàng

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là  thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm, quy định rõ:

  • Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên
  • Thời hạn hợp đồng
  • Thời hạn đóng phí
  • Phạm vi bảo hiểm

…………….

Ngay từ khi giao kết hợp đồng, bên mua bảo hiểm cần đọc kỹ và tư vấn viên cần giải thích cặn kẽ điều khoản hợp đồng để khách hàng hiểu đầy đủ trong quá trình thực hiện, tránh hiểu nhầm không đáng có.

Khách hàng nên thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng, tránh dừng hợp đồng giữa chừng gây thiệt hại tài chính cho bản thân.

Hương Bùi – Tư vấn hoạch định tài chính Manulife Hải Phòng