Thừa kế bảo hiểm nhân thọ – những điều cần biết

Đăng ngày:

Thừa kế bảo hiểm nhân thọ là gì?

Thừa kế là việc chuyển giao quyền sử dụng định đoạt tài sản của người đã khuất cho người còn sống. Tài sản đó gọi là di sản.

Bảo hiểm nhân thọ cũng là một loại tài sản và nếu trong trường hợp bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm qua đời thì đây chính là một trong những di sản của người chết để lại, và nó được xem là di sản thừa kế.

Thừa kế bảo hiểm nhân thọ là việc chuyển giao quyền sử dụng định đoạt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho người còn sống để tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận tại hợp đồng đó.

thua ke bao hiem nhan tho

Các hình thức thừa kế bảo hiểm nhân thọ

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, có 2 hình thức thừa kế:

– Hình thức thừa kế theo di chúc: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015). Theo cách này, ngay khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm lập một bản di chúc chỉ định rõ người được hưởng thừa kế từ hợp đồng này.

– Hình thức thừa kế theo pháp luật: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định” (Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015). Hình thức này áp dụng với những hợp đồng không được định đoạt bằng di chúc. Quyền thừa kế được phân chia theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quyền hưởng thừa kế bảo hiểm nhân thọ được quyết định dựa trên điều khoản hợp đồng bảo hiểm, sau đó mới xét tới di chúc và các hình thức thừa kế khác.

Ai là người được thừa kế bảo hiểm nhân thọ?

Thừa kế khi bên mua bảo hiểm tử vong

Trong trường hợp Bên mua bảo hiểm không phải là Người được bảo hiểm, khi Bên mua bảo hiểm tử vong (một tổ chức và tổ chức này giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động ) trong thời gian Hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, người thừa kế hợp pháp của Bên mua bảo hiểm có quyền thừa kế toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm với điều kiện người thừa kế hợp pháp này hội đủ các điều kiện quy định cho Bên mua bảo hiểm trong hợp đồng.

Thừa kế khi người được bảo hiểm tử vong

Trường hợp có chỉ định người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm

Khi người được bảo hiểm qua đời, số tiền bồi thường bảo hiểm được chuyển giao cho người thừa kế hợp pháp.  Để xác định đối tượng thừa kế bảo hiểm nhân thọ thì phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu trong hợp đồng bảo hiểm có lựa chọn người thụ hưởng, thì khi người mua bảo hiểm mất, người thụ hưởng đó sẽ nhận thừa kế hợp đồng bảo hiểm.

Nếu có từ 02 Người Thụ Hưởng trở lên, ngoại trừ có quy định khác trong Hợp Đồng hoặc trong văn bản chỉ định Người Thụ Hưởng hợp lệ đã được công ty bảo hiểm tiếp nhận, Quyền lợi bảo hiểm tử vong được chi trả như sau:

  • Trong trường hợp tất cả Người Thụ Hưởng còn sống: quyền lợi bảo hiểm tử vong sẽ được chia đều cho các Người Thụ Hưởng.
  • Trong trường hợp có bất kỳ Người Thụ Hưởng nào đã tử vong/chấm dứt hoạt động đồng thời hoặc trước khi Người Được Bảo Hiểm tử vong, phần quyền lợi bảo hiểm của Người Thụ Hưởng đó sẽ được chia đều cho những Người Thụ Hưởng còn lại

Trường hợp không chỉ định người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm

Nếu không có Người Thụ Hưởng nào được chỉ định hoặc tất cả Người Thụ Hưởng đều đã tử vong/chấm  dứt hoạt động đồng thời hoặc trước khi Người Được Bảo Hiểm tử vong, thì như sau:

  • Trong trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm là cá nhân: công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho Bên Mua Bảo Hiểm (hoặc người thừa kế hợp pháp của Bên Mua Bảo Hiểm trong trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm đã tử vong).
  • Trong trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm là tổ chức: công ty bảo hiểm chi trả cho Người thừa kế hợp pháp của Người Được Bảo Hiểm.

Quy định về người thừa kế hợp pháp theo luật

Người thừa kế hợp pháp sẽ được chỉ định theo pháp luật theo quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:

“Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  2. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  3. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần thừa kế hợp đồng bảo hiểm bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do các nguyên nhân như đã chết, không có quyền, bị truất quyền hoặc từ chối quyền nhận thừa kế.

Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế của người chết sẽ được hưởng thừa kế đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của người chết. Mỗi người được hưởng một phần bằng nhau. Hàng thừa kế sau chỉ được hưởng khi không còn ai ở hàng thừa kế trước đó.

Chỉ định người thừa kế như thế nào?

Trong trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm bị tử vong (trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm là cá nhân) hoặc chấm dứt hoạt động (trường hợp Bên Mua Bảo Hiểm là tổ chức), chỉ định người thừa kế quyền và nghĩa vụ của hợp đồng sẽ theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Người Được Bảo Hiểm, nếu Người Được Bảo Hiểm đủ các điều kiện trở thành Bên Mua Bảo Hiểm; hoặc
  • Người giám hộ hợp pháp của Người Được Bảo Hiểm, nếu Người Được Bảo Hiểm chưa đủ điều kiện trở thành Bên Mua Bảo Hiểm; hoặc
  • Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Bất kỳ ai được bên mua bảo hiểm chỉ định là người thụ hưởng và được ghi nhận trên hợp đồng bảo hiểm sẽ là người được chỉ định thừa kế bảo hiểm. Người thụ hưởng không bắt buộc phải có mối quan hệ huyết thống với người được bảo hiểm, người mua bảo hiểm.

Nếu người thụ hưởng dưới 18 tuổi, thì người bảo hộ hợp pháp của người thụ hưởng sẽ là người nhận số tiền thừa kế từ Hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể thêm, bớt người thụ hưởng nhiều lần trong suốt thời hạn hợp đồng có hiệu lực.

Nếu một trong những người thụ hưởng chỉ định phạm tội hình sự, số tiền thừa kế bảo hiểm nhân thọ sẽ chỉ chia cho những người thụ hưởng còn lại trong hợp đồng.

Thủ tục thừa kế hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Thừa kế quyền và nghĩa vụ bên mua bảo hiểm

Thừa kế quyền và nghĩa vụ bên mua bảo hiểm thuộc điều khoản thay đổi bên mua bảo hiểm. Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm mới cần chuẩn bị các giấy tờ bao gồm:

  • Đơn thay đổi thông tin hợp đồng
  • Tờ khai thông tin bên mua bảo hiểm mới
  • Giấy tờ tùy thân

Thừa kế bảo hiểm sau khi người được bảo hiểm tử vong

Thừa kế bảo hiểm nhân thọ là hình thức nhận tiền bồi thường của hợp đồng bảo hiểm sau khi người được bảo hiểm qua đời và thuộc trường hợp yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong. Do đó, người được thụ hưởng theo hợp đồng bảo hiểm cần chuẩn bị các giấy tờ bào gồm:

– Giấy chứng tử/ Trích lục Khai tử của Người được Bảo hiểm do Chính quyền địa phương cung cấp (bản sao có chứng thực).

– Hộ khẩu xóa tử của Người được Bảo hiểm.

– Bộ Hợp đồng Bảo hiểm.

– Nếu Người được Bảo hiểm tử vong do Tai nạn, cần có thêm các giấy tờ sau:

+ Biên bản kết luận điều tra nguyên nhân tử vong do cơ quan chính quyền có thẩm quyền lập.

+ Biên bản khám nghiệm tử thi do cơ quan chính quyền có thẩm quyền lập.

+ Các chứng từ y tế (Tóm tắt Bệnh án, Giấy ra viện, Đơn thuốc, Hóa đơn, bảng kê chi phí, quá trình điều trị sau khi bị Tai nạn do Bệnh viện cung cấp, nếu có.

– Nếu Người được Bảo hiểm tử vong do Bệnh, cần có thêm các giấy tờ sau:

+ Tóm tắt Bệnh án/ Giấy ra viện/ Các chứng từ y tế cho tất cả lần khám và chữa bệnh ngoại trú/nội trú của Người được Bảo hiểm do các Bệnh viện cung cấp.

Công ty bảo hiểm nhân thọ có trách nhiệm giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho người thụ hưởng trong thời gian nhất định (tùy thuộc quy định của đơn vị bảo hiểm) kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo yêu cầu.

Hương Bùi tổng hợp
Hương Bùi – Tư vấn hoạch định tài chính Manulife Hải Phòng