Mục lục
1. Quyền lợi BHXH của bệnh nhân mắc Covid-19
Căn cứ theo quy định tại Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định rõ các chế độ khi người lao động tham gia BHXH như sau:
- Đối với người lao động (NLĐ) tham gia BHXH bắt buộc có các chế độ sau đây: được hưởng chế độ: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất.
- Đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có các chế độ sau đây: Chế độ hưu trí; chế độ tử tuất.
1.1 Hưởng chế độ ốm đau
Để được hưởng chế độ ốm đau NLĐ bị ốm đau do dịch bệnh Covid-19 phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau:
- Trường hợp NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
- Trường hợp NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
- NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Mức hưởng:
- NLĐ hưởng chế độ ốm đau mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Trường hợp NLĐ mới bắt đầu làm việc hoặc NLĐ trước đó đã có thời gian đóng BHXH, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng đó.
Người lao động bị bệnh hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định mà vẫn tiếp tục điều trị thì hưởng chế độ ốm đau thì mức hưởng được quy định như sau:
- Bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
- Bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
- Bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã BHXH dưới 15 năm.
1.2 Hưởng chế độ tử tuất
Trong trường hợp NLĐ tham gia BHXH chết vì Covid-19, đủ điều kiện hưởng thân nhân được hưởng trợ cấp tuất. Cụ thể mức hưởng như sau:
1.2.1 Hưởng trợ cấp mai táng
Mức hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ chết. Năm 2021, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, vậy trợ cấp mai táng là 14,9 triệu đồng (Theo quy định tại Điều 66 và Điều 80, Luật BHXH năm 2014). Ngoài ra, theo Quyết định 3022/QĐ-TLĐ ngày 09/8/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trường hợp đoàn viên, NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tử vong do bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 kể từ ngày 27/4/2021, thân nhân sẽ được hỗ trợ 05 triệu đồng/người tử vong.
Bên cạnh đó, theo Quyết định 5188/QĐ-BYT và Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG hướng dẫn về việc xử lý thi thể bệnh nhân tử vong do Covid-19 có thể được xử lý bằng hình thức hỏa táng hoặc mai táng. Người tử vong tại cơ sở KCB bắt buộc phải được hỏa táng, chỉ mai táng trong trường hợp không thực hiện được việc hỏa táng.
Với hình thức hỏa táng, tùy chính sách của từng địa phương mà mức hỗ trợ chi phí hỏa táng sẽ là khác nhau. Ví dụ:
Tại Hà Nội:
Căn cứ theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND thành phố Hà Nội, mức hỗ trợ chi phí hỏa táng từ năm 2021 được quy định như sau:
- Hỗ trợ mai táng thi hài người lớn: 03 triệu đồng/ca;
- Hỗ trợ mai táng thi hài trẻ em dưới 06 tuổi: 1,5 triệu đồng/ca;
- Hỗ trợ chi phí vận chuyển: 01 triệu đồng/ca.
Tại Bình Dương:
Để giảm bớt gánh nặng cho NLĐ, hỗ trợ khắc phục hậu quả do dịch bệnh để lại đối với NLĐ tại Bình Dương mức hỗ trợ như sau:
- 10 triệu đồng/đoàn viên công đoàn tử vong do Covid-19 do Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ.
- Từ 10 – 30 triệu đồng/trường hợp tử vong do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
Theo Quyết định 14/2015/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh mức hỗ trợ chi phí hỏa táng được quy định như sau:
- Hỗ trợ mai táng 2,5 triệu đồng/lượt hỏa táng: một số đối tượng người có công, hộ nghèo, đảng viên có Huy hiệu 40 tuổi Đảng trở lên,…
- Hỗ trợ mai táng 1,5 triệu đồng/lượt hỏa táng: Đối tượng hưu trí; hộ cận nghèo; người dân có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh
- Miễn phí hỏa táng trẻ từ 6 tuổi trở xuống có hộ khẩu hoặc tạm trú (KT3).
1.2.2 Trợ cấp tuất
NLĐ mắc Covid-19 tham gia BHXH bắt buộc chết thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hàng tháng tùy từng trường hợp.
Trợ cấp tuất hàng tháng:
- Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 67, Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
- Số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng không quá 04 người; Trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp theo quy định trên (đối với trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
- Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà NLĐ chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.
Trợ cấp tuất một lần:
Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc chết thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 69, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần cho thân nhân được tính như sau:
Mức hưởng = 1,5 x Mbq x Số năm đóng BHXH trước 2014 + 2 x Mbq x Số năm đóng BHXH từ 2014 trở đi
Trong đó:
- Mbq: là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
- Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu:
- Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;
- Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
Trường hợp NLĐ tham gia BHXH tự nguyện chết vì Covid-19: Thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định tại Điều 81, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Mức hưởng = 1,5 x Mbq x Số năm đóng BHXH trước 2014 + 2 x Mbq x Số năm đóng BHXH từ 2014 trở đi
Trong đó
- Mbq: là mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
- Trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH;
Lưu ý: Trường hợp NLĐ có cả thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH.
2. Quyền lợi BHYT đối với bệnh nhân mắc Covid-19 năm 2021
Bệnh nhân mắc Covid-19 tham gia BHYT sẽ được hưởng quyền lợi từ việc KCB BHYT như các bệnh nhân thông thường đi khám chữa bệnh khác. Ngoài ra còn được hưởng các chính sách đặc biệt khác áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh Covid-19.
Cơ quan BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 2259/BHXH-CSYT ngày 29/7/2021 gửi BHXH các tỉnh, thành phố (BHXH các tỉnh); BHXH Bộ Quốc phòng và BHXH Công an nhân dân hướng dẫn về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT đối với bệnh nhân mắc bệnh COVID-19. Theo đó, thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo hướng dẫn tại Công văn số 3100/BYT-BH ngày 20/4/2021. Cụ thể:
-
Ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh do COVID-19, bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền….theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
-
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như đối với trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến (trừ chi phí đã nêu trên).
-
Người có thẻ BHYT tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Khi dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 các cơ quan BHXH tỉnh thông báo và hướng dẫn để người bệnh BHYT được KCB tại cơ sở KCB thuận lợi nhất trên địa bàn, không phân biệt nơi đăng ký KCB ban đầu, được hưởng quyền lợi KCB BHYT như các trường hợp KCB đúng tuyến.
Người bệnh BHYT được làm các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và được quỹ BHYT hoặc ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định.
Theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, không để người bệnh Covid-19 phải tự chi trả chi phí KCB thuộc phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định, trong quá trình KCB tại cơ sở y tế. Các cơ sở KCB BHYT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT và phù hợp với tình hình, diễn biến dịch COVID-19 tại mỗi địa phương.
Những hỗ trợ từ BHXH và BHYT phần nào đã giúp NLĐ vượt qua khó khăn về chi phí, có thể an tâm khám và điều trị bệnh. Trên đây là những thông tin chia sẻ về người mắc bệnh Covid-19 được hưởng các quyền lợi BHXH và BHYT như thế nào. Người lao động có thể tham khảo và nắm rõ các quyền lợi của mình. Trong thời gian tới NLĐ cần đặc biệt lưu ý tránh tụ tập đông người, tránh ra ngoài khi không cần thiết góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Nguồn: ebh