Sau bài viết “ Vì sao Thủ tướng yêu cầu không triển khai gói bảo hiểm CoVID 19?” trên Cafebiz khẳng định là theo nguyên tắc, và cũng là thông lệ được áp dụng tại hầu hết các nước, các công ty bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra các sự kiện bất khả kháng như thảm họa, chiến tranh, đại dịch…, và WHO tuyên bố đại dịch, CP Việt Nam tuyên bố dịch toàn quốc, có nghĩa là các DNBH có quyền từ chối bồi thường đối với các tử vong, tai nạn, hậu quả do COVID 19 gây ra. Trong bài viết của 1 bạn chuyên gia khác cũng có nói ý này, và nói thêm về việc không bảo hiểm rủi ro chiến tranh, dịch bệnh… vì những sự kiện này vượt quá tầm kiềm soát của doanh nghiệp.
Để làm rõ vấn đề, một chuyên gia đã có bài phân tích 2 khía cạnh: vấn đề bảo hiểm rủi ro thảm họa, và vấn đề sự kiện bất khả kháng của bảo hiểm để giúp mọi người hiểu hơn về việc trên, tránh hoang mang cho người tham gia bảo hiểm. Cụ thể như sau:
Mục lục
Vấn đề bảo hiểm các rủi ro thảm họa
Từ khi bảo hiểm còn sơ khai (đơn BH cho cho con người đầu tiên còn lưu lại được, cấp năm 1583, là hợp đồng bảo hiểm tử kỳ), chỉ có bảo hiểm rủi ro tử vong, bảo hiểm cũng giống như cá cược, và tất nhiên lúc đầu chưa thể áp dụng được nguyên tắc số đông. Nhà bảo hiểm cứ dò dẫm, thêm dần các rủi ro bảo hiểm để đáp ứng được nhu cầu người mua, sang thế kỷ XX, bảo hiểm con người tiến hóa nhanh, thêm đủ loại rủi ro mà con người cần bảo hiểm, từ tai nạn, ốm đau, nằm viện, chăm sóc sức khỏe… rồi thế kỳ XXI này còn nhiều quyền lợi khác lạ nữa (nếu có dịp thì chia sẻ sau cho khỏi loãng bài).
Nhà bảo hiểm dần có được cơ sở dữ liệu càng ngày càng hoàn chỉnh, cũng như xác định được những sự kiện rủi ro cực lớn vượt ngoài tầm kiếm soát của nhà BH, như chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, dich bệnh. Những sự kiện có ảnh hưởng lớn đến việc nhà bảo hiểm đưa các loại trừ không BH rủi ro chiến tranh, dịch bệnh vào hợp đồng BH là chiến tranh thế giới thứ 1, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Sau thời điểm này, tất cả các quy tắc bảo hiểm về con người, tài sản…đều loại trừ những rủi ro này.
Vài chục năm gần đây, khi nền y tế dự phòng và khám chữa bệnh ngày càng phát triển, vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ chức y tế thế giới ngày càng cao, khiến dịch bệnh không còn là vấn đề lớn, không có những dịch bệnh chết hàng trăm nghìn, hàng triệu người như trước (Sars năm 2003 chết dưới 1000 người; Ebola năm 2015, 2016 chết 11.000 người). Các nhà BH dần dần coi rủi ro dịch bệnh tuy lớn nhưng kiểm soát được, và khoảng từ năm cuối thể kỷ 20, đầu TK 21, các DNBH có xu hướng điều chỉnh quy tắc bảo hiểm theo hướng bỏ hoặc hạn chế rủi ro dịch bệnh trong các nội dung loại trừ bảo hiểm. Hiện tại, đa số các mẫu đơn BH về con người trên thế giới đã không còn liệt kê dịch bệnh là loại trừ bảo hiểm, hoặc chỉ loại trừ một số dịch bệnh nêu rõ tên mới phát sinh mà các nhà BH cho là nguy hiểm và khó kiểm soát (ví dụ như SARS, từ sau năm 2003). Rủi ro chiến tranh cũng vậy. Sau khi có Liên hợp quốc và thế giới có nhiều cơ chế giải quyết bất đồng hơn, từ những năm 80, và đặc biệt sau chiến tranh lạnh, việc nhà bảo hiểm cấp điều khoản bổ sung mở rộng bảo hiểm rủi ro chiến tranh trong các loại hình bảo hiểm tài sản, hàng hải… là chuyện rất bình thường.
Như vậy, ý kiến của bạn (coi chiến tranh, dịch bệnh… không thể bảo hiểm) có thể đúng trong bối cảnh nhiều chục năm trước. Còn hiện tại, không còn đúng nữa. Những rủi ro dịch bệnh, chiến tranh… vẫn là những rủi ro lớn, nhưng nhà bảo hiểm đánh giá là kiểm soát được, và vì vậy có thể bảo hiểm được (tất nhiên là không phải là đương nhiên trong mọi trường hợp, mà DNBH phải đánh giá rủi ro và quyết định).
Hiện tại đang là như vậy, nhưng biết đâu dịch COVID19 này khiến hàng trăm ngàn, hàng triệu người chết, thì trong tương lai bảo hiểm sẽ lại khác, các nhà BH sẽ lại đưa các loại trừ dich bệnh này vào quy tắc. Cũng như rủi ro khủng bố, trước thời điểm nước Mỹ bị khủng bố ngày 11/9/2001, không có mẫu đơn BH nào loại trừ rủi ro khủng bố, sau thời điểm này thì các mẫu đơn BH đều đưa rủi ro này vào loại trừ BH.
“Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời (hàm ý là thực tế) mãi mãi xanh tươi”. (Goethe).
Bạn không thể lấy những kiến thức hay lý thuyết mình học đã cũ kỹ, không được cập nhật để giải thích và diễn giải những gì đang diễn ra.
Lý thuyết/Kiến thức ngày hôm qua là đúng, có thể ngày mai đã không còn đúng nữa. Vi dụ hôm nay tôi đang khẳng định rủi ro AIDS không được bảo hiểm, biết đâu năm sau các DNBH lại cho là rủi ro này kiểm soát được, bảo hiểm được. Khi đó tôi cứ lấy kiến thức của năm nay mà khăng khăng khẳng định là rủi ro AIDS bảo hiểm thế đếch nào được, thì tôi sẽ giống như các bạn vậy.
Tất cả đều phải gắn với thực tế. Và thực tế này bạn có thể kiểm chứng được (xem trên mạng, tìm hiểu các loại hình bảo hiểm thực tế hàng ngày của DNBH, các mẫu đơn BH).
Vấn đề bất khả kháng
Không có chuyện như bạn tự tin khẳng định là WHO tuyên bố dịch, rồi Chính phủ tuyên bố dịch COVID là các DNBH đương nhiên không có trách nhiệm bồi thường các sự kiện BH liên quan đến COVID 19.
Điều này tôi đã giải thích ở trên, chỉ nói thêm một chút. Trong các hệ thống luật (kể cả common law và Civil law), đều có quy định về Sự kiện bất khả kháng. Khi xảy ra một sự kiện bất khả kháng khiến một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ trong một hợp đồng thương mại, ví dụ do chiên tranh, hay cụ thể trong trường hợp này do dịch bệnh COVID, khiến 1 bên không có nhân công sản xuất, hoặc không thể nhận được nguyên liệu, dẫn đến không thể sản xuất và giao hàng cho bên kia theo hơp đồng đã ký; bên vi phạm có thể viện dẫn đến điều khoản về sự kiện bất khả kháng này (hay ở điều 420 Bộ luật dân sự 2015 sử dụng thuật ngữ là khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản), đưa ra Tòa án, và TÒA ÁN mới là tổ chức phán xử kết luận đó là sự kiện bất khả kháng, để 2 bên đàm phán lại hợp đồng, bên vi phạm không bị chịu phạt theo hợp đồng đã ký. Chứ không phải bạn, hay kể cả Thủ tướng, phán xét được việc này.
Trong BH (như các loại hình bảo hiểm tài sản, trách nhiệm, hàng hải…) cũng thường quy định về vấn đề sự kiện bất khả kháng. Ví dụ chiến tranh, tài sản bị cơ quan thẩm quyền trưng dụng… thì DNBH không phải bồi thường tổn thất phát sinh từ đó, và những sự kiện bất khả kháng đó cũng phải được quy định rõ trong hợp đồng.
Thấy có chuyên gia bảo hiểm nói rằng các nhà nhận tái bảo hiểm (TBH) không nhận chi trả rủi ro COVID, nên giờ chỉ có các DNBH Việt Nam ôm rủi ro với nhau; khi nạn dịch bùng phát không kiểm soát nổi thì các DNBH ở VIệt Nam không có tiền chi trả quyền lợi BH.
Thông tin này sai. Các nhà nhận TBH phải thực hiện nghĩa vụ chi trả quyền lợi BH theo hợp đồng TBH đã ký với các DNBH Việt Nam.
Rủi ro dịch bệnh (bao gồm cả đại dịch COVID này) nếu không bị ghi rõ loại trừ trong hợp đồng BH thì đương nhiên Người được bảo hiểm sẽ được hưởng quyền lợi BH khi không may gặp rủi ro, kể cả khi TGĐ DNBH có gửi thông báo xác nhận quyền lợi BH cho khách hàng hay không, theo tư vấn của các “chuyên gia” cho người mua BH (và tôi khẳng định đa số hợp đồng BHNT, BH sức khỏe DNBH đang bán ở VN đều bảo hiểm rủi ro này),
Chuyên gia này có thể nhầm lẫn, khi đọc tin về việc các DNBH, TBH trên thế giới nói không bảo hiểm cho rủi ro gián đoạn kinh doanh, mất lợi nhuận của khách hàng do dịch COVID 19.
Đối với chi trả quyền lợi BH do COVID 19, công ty TBH Munich Re – công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, ước tính họ sẽ phải chi trả quyền lợi BH các hợp đồng nhận tbh nhân thọ, sức khỏe rủi ro COVID 19 toàn cầu khoảng 1,4- 1,5 tỷ USD. Số này đối với họ không phải là lớn, chỉ tương đương số tiền chi trả một thảm họa thiên tai có quy mô trung bình, tần suất 200 năm, và không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với bản Báo cáo KQ hoạt động kinh doanh hay Bản cân đối tài sản của họ năm 2020 (tin từ tạp chỉ bảo hiểm châu Á).
Có chuyên gia BH nói rằng DNBH bán BH nói chung, cũng như BH COVID 19 nói riêng, đến khi WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu, hay Chính phủ tuyên bố đại dịch toàn quốc, các DNBH sẽ được miễn trách nhiệm, không phải chi trả quyền lợi BH?
Không hiểu căn cứ vào đâu để chuyên gia nhận định như vây. Không thể nói việc điều khoản về sự kiện bất khả kháng trong Bộ luật dân sự 2015 tự động kích hoạt trong trường hợp này, để các DNBH ung dung từ chối trách nhiệm chi trả QLBH. Trên thế giới, tôi chưa nghe nói đến DNBH nào thành công trong việc yêu cầu áp dụng điều khoản về sự kiện bất khả kháng để từ chối chi trả QLBH do dịch bệnh do WHO hay quốc gia ban bố.
Trong thực tế trước đây đã có những đại dịch khác được quốc gia công bố toàn quốc, hay WHO công bố toàn cầu, các DNBH vẫn giải quyết quyền lợi BH bình thường theo đúng các điều khoản hợp đồng BH 2 bên đã ký (dịch Sars, Ebola…).
Vì vậy, nói thế không chính xác, làm khách hàng mua BH hoang mang.
Có chuyên gia bảo hiểm đo sức chịu đựng của DNBH nhân thọ đối với COVID 19, đưa ra giả định số tiền bồi thường 1 NĐBH nhiễm COVID 19 tử vong là 500 triệu đồng,; tất cả các DNBH nhân thọ chỉ có thể chi trả bồi thường được: đầu tiên từ vốn điều lệ khoảng 120 nghìn người; tiếp theo từ Quỹ dự trữ bắt buộc khoảng 6.000 người; sau cuối từ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm : khoảng 9.000 người. Điều này đúng hay sai?
Sai. Quỹ quan trọng nhất, chính yếu nhất, quỹ với mục đích chính để chi trả các quyền lợi bảo hiểm là Quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm, lại không được tính tới.
Theo quy định pháp luật, DNBH phải hạch toán theo dõi các quỹ riêng: Vốn chủ sở hữu riêng, Quỹ chủ hợp đồng BH riêng. Quỷ chủ hợp đồng BH là phí BH thu được từ khách hàng, được quản lý, theo dõi theo các hướng dẫn chặt chẽ của Nhà nước.
Đại dịch COVID 19 có ảnh hưởng gì tới ngành BH? Em thấy số liệu của Tổng cục thống kê, quý I/2020, BH phi nhân thọ vẫn tăng 8%; nhân thọ tăng 16%, trong khi các ngành kinh tế khác đều bị ảnh hưởng?
Đối với hoạt động kinh doanh BH: Ảnh hưởng tiêu cưc là việc cách ly xã hội khiến TVV bảo hiểm không có nhiều cơ hội tiếp xúc, tư vấn BH cho khách hàng; các tổng đại lý không tổ chức được các họi thảo giới thiệu bh…;
Tích cực là nhận thức và nhu cầu của người dân về bảo vệ sức khỏe, gia đình, về vai trò của BH…đối với BH sức khỏe, nhân thọ; là ít tổn thất tai nạn giao thông đối với BH xe cơ giới…
Nhưng ảnh hưởng lớn nhát đối với các DNBH có thể không phải là hoạt động BH gốc, mà là hoạt động đầu tư. Trong tình hình thị trường tài chính, chứng khoán suy giảm như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động đầu tư của DNBH. Đây mới là vấn đề chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2020 của DNBH, không phải là bảo hiểm gốc.
Quyết định không cho phép bán BH COVID của Thủ tướng có ảnh hưởng gì tới DNBH?Quyền lợi của khách hàng khi đã mua các hợp động BH COVID 19 có bị ảnh hưởng gì không?
Không có ảnh hưởng gì lớn tới hoạt động kinh doanh của DNBH. Thực ra, doanh thu từ các gói BH COVID 19 chiếm tỷ trọng cực kỳ nhỏ bé trong cơ cấu doanh thu phí BH của DNBH.
Ảnh hưởng nếu có, là việc xuyên tạc của người không hiểu biết hoặc người có dụng ý xấu, như tôi phân tích ở trên.
Quyền lợi của khach hàng đã mua BH COVID 19 của DNBH HOÀN TOÀN KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG GÌ.
DNBH có nhân cơ hội dịch COVID 19 “đục nước béo cò” không?
Khi người tiêu dùng cần hàng gì, người bán cung cấp ngay được mặt hàng đó, với mức giá phù hợp, đó là cơ hội WIN WIN ‘hai bển cùng thắng”. Coi là lợi dụng cơ hội “đục nước béo cò”, chỉ khi dùng lợi thế của mình chèn ép người mua khi người mua cần; ví dụ giá 1 kg thịt 200k, mùa dịch bán lên 300k; còn với các gói BH COVID, như gói BH tôi mua cho bản thân tôi từ 1 DNBH PNT, mức trách nhiệm bồi thường khi tử vong là 100 triệu đ, hỗ trợ bằng tiền mỗi ngày nằm viện 500.000 đ, thời hạn BH 1 năm, phí BH 1 năm là 180.000 đ – so với các loại BH sức khỏe khác, với số tiền BH, các yếu tố rủi ro,,,tôi thấy mức phí này hoàn toàn hợp lý.
Nói thêm chút về bảo hiểm với dịch COVID 19 : ngay từ đầu tháng 2, một loạt DNBH nhân thọ đã công bố mở rộng quyền lợi BH đối với các hợp đồng BH họ đang bán cho khách hàng đang sở hữu hợp đồng BH cũng như khách hàng sẽ mua , cụ thể là không áp dụng thời gian chờ 30 ngày; tăng gấp đôi quyền lợi nằm viện (ví dụ hợp đồng hiện tại đang quy định quyền lợi năm viện 1 ngày là 1 triệu đ, thì nếu phải nằm viện do COVID, DNBH sẽ chi trả luôn 2 triệu đồng/1 ngày X tổng số ngày nằm viện); hỗ trợ bằng tiền ngay cho người mắc virus COVID 19 1 cục tiền (từ 10 triệu đên 30 triệu đồng, căn cứ ngày nằm điều trị); khi tử vong trả quyền lợi BH cao hơn so với tử vong do nguyên nhân thông thường khác… Việc mở rộng quyền lợi BH này thể hiện thái độ trách nhiệm với khách hàng của DNBH trước nạn dịch, và sự dũng cảm của người đứng đầu DNBH, vì những mở rộng QLBH ngoài phạm vi đã được Bộ tài chính phê duyệt, có thể sẽ bị xuất toán, không được tính là chi phí bồi thường hợp lệ, khi Bộ tài chính kiểm tra DN, và DN sẽ phải bù từ vốn chủ sở hữu, lãi sau thuế.. (được biết hiện tại các DNBH đã trình sửa đổi các sản phẩm BH mở rộng QLBH như đã thông báo ở trên để chung tay cùng cộng đồng, và đã được Bộ tài chính chấp thuận).
Vài ý kiến chia sẻ với các bạn quan tâm.
Mong mọi người có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này, chia sẻ để người khác được biết, tránh hoang mang lo lắng do những thông tin không chính xác mang lại.
Nguồn: sưu tầm (góc nhìn chuyên gia)